Đối với một nhà tuyển dụng, họ chỉ cần 2 phút để đọc 1 bản CV của các bạn, vì vậy, các bạn cần hiểu rõ nhà tuyển dụng mong muốn điều gì để thể hiện trong bản CV. Hiện nay, CV tiếng Anh dường như ngày càng phổ biến khiến các ứng viên khá lúng túng khi tìm một mẫu CV tiếng Việt ưng ý. Chính vì vậy, hãy biết tham khảo và sử dụng những mẫu CV tiếng Việt một cách có chọn lọc
I/ Những mục cơ bản trong mẫu CV tiếng Việt:
1. Thông tin cá nhân:
- Tên đầy đủ
- Ngày sinh
- Địa chỉ liên lạc
- Số điện thoại liên lạc (là số điện thoại bàn hoặc số điện thoại di động các bạn dùng thường xuyên)
- Email: Nghiêm túc và thường nên đặt địa chỉ email chỉ bao gồm tên của mình. Tránh tình trạng để email kiểu nick chat yahoo như cobehaykhoc, hoangtubongdem,....
- Ảnh mới nhất: Có thể cỡ 4×6 hoặc 3×4 tùy thuộc vào yêu cầu công việc.
Với kinh nghiệm là nhà tuyển dụng cũng như là ứng viên, tôi khuyên các bạn nên
• Nên để phông nền đằng sau màu trắng để sau này còn dùng làm nhiều việc khác như để làm ảnh hộ chiếu,..
• Nên nhờ hiệu ảnh photoshop một chút trước khi đưa vào CV (đặc biệt đối với các vị trí liên quan đến bán hàng) bởi vì khi nhìn một ứng viên có gương mặt sáng sủa và xinh xắn, nhà tuyển dụng thường sẽ có cảm tình hơn.
2. Mục tiêu nghề nghiệp
Nên chia ra thành 2 loại mục tiêu nghề nghiệp
- Mục tiêu dài hạn (trên 5 năm)
- Mục tiêu ngắn hạn (dưới 1 năm) và trung hạn (từ 1-5 năm)
Hai mục tiêu này nên logic với nhau ví dụ bạn ứng tuyển vào vị trí chuyên viên quan hệ khách hàng cá nhân thì:
• Mục tiêu ngắn hạn của bạn có thể là thi đỗ vị trí chuyên viên quan hệ khách hàng cá nhân của ngân hàng XYZ,
• Trung hạn là trở thành trưởng nhóm bán hàng của ngân hàng XYZ,
• Dài hạn có thể lên làm trưởng phòng kinh doanh, thậm chí là giám đốc chi nhánh sau 10 năm làm việc ở ngân hàng XYZ.
Có bạn sẽ hỏi làm thế nào để em biết được một lộ trình công danh của một nhân viên đó là như thế nào? Cách đơn giản là hỏi những người đang làm nghề và thông qua internet, cái này sẽ tùy thuộc vào khả năng giao tiếp xã hội của bạn để khai thác nguồn thông tin đó.
Tôi đã đứng ở vai trò của nhà tuyển dụng trong một lần tuyển cộng tác viên đào tạo tín dụng trực tuyến (E-credit) của công ty, tôi nhận được hơn 100 CV của các bạn sinh viên và một câu nói phổ biến trong CV của các bạn là Mong muốn được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp và năng động, muốn áp dụng các kiến thức của mình vào trong công việc để đóng góp để công ty trở thành công ty hàng đầu trong ngành.
Tôi không phủ nhận cách viết này là đúng hay sai, tuy nhiên, nó sẽ có các nhược điểm:
- Bạn sẽ rất bị "đụng hàng" với nhiều ứng viên khác, vì vậy, không bản thân mình sẽ không nổi bật.
- Bạn sẽ rất bị nhà tuyển dụng "quay" trong buổi phỏng vấn thế nào là một môi trường làm việc năng động và chuyên nghiệp.
3. Trình độ học vấn
Trong mục này, các bạn nên để theo thứ tự như sau:
- Chứng chỉ học thuật: Đây là chứng chỉ mà chúng ta được học trong trường. Có thể ghi rõ điểm phẩy, loại khá hay loại giỏi. Trong trường hợp điểm phẩy của bạn không tốt, bạn có thể không ghi rõ điểm phẩy hay loại tốt nghiệp của bạn mà chỉ nên ghi chung chung là cử nhân chuyên ngành gì, tốt nghiệp ở trường nào mà thôi.
- Chứng chỉ nghề nghiệp: Ở mục này cần ghi những chứng chỉ các bạn đã tốt nghiệp hoặc tốt nghiệp một phần ở các trung tâm (có uy tín một chút) như chứng chỉ CAT, ACCA, CFA, các chứng chỉ hành nghề chứng khoán do Uỷ ban chứng khoán nhà nước cung cấp..
- Chứng chỉ về ngoại ngữ, tin học: Ở mục này các bạn cần để các chứng chỉ như TOEIC, TOEFL, IELTS, .. thậm chí để cả chứng chỉ tiếng anh chuyên ngành của trường mình cấp (ở trường mình FTU có cấp cho sinh viên khi ra trường chứng chỉ này)
- Chứng chỉ về kỹ năng mềm: như các chứng chỉ tốt nghiệp khóa học giao tiếp, khóa học tôi tài giỏi của anh Trần Đăng Khoa ... Tuy nhiên thường thì kỹ năng mềm là quá trình rèn luyện liên tục và thường chỉ rèn luyện ngoài trường đời là chủ yếu nên các bạn có thể ko được cấp chứng chỉ. Nhưng cũng ko sao, chúng ta có phần sau để thể hiện bản thân.
4. Kinh nghiệm làm việc
Ở mục này, các bạn cần ghi các kinh nghiệm mà mình đã làm như gia sư, dịch bài, làm các công việc thực tập ở các công ty (đối với sinh viên mình thường ghi các công việc bán thời gian thôi); Trong đó cần ghi rõ: thời gian làm việc, tên công ty, tên công việc, nội dung công việc, thành tích đạt được (nếu có).Tránh tình trạng phần kinh nghiệm của các bạn copy toàn bộ phần mô tả công việc bạn đã làm trước đó vào.
Đối với các ứng viên đã có kinh nghiệm, phần này giúp các bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng ví dụ như kinh nghiệm của các dự án bạn tham gia, kinh nghiệm các công việc bạn đang làm và các mối quan hệ của bạn trong công việc. Nhà tuyển dụng sẽ cân nhắc chi phí và lợi ích để xác định việc có tuyển bạn hay không.
5. Thành tích hoạt động ngoại khóa
Đây có thể là các thành tích về tình nguyện viên của các chương trình hoặc các thành tích khác có thể kể đến cả thành tích mà các bạn đã đóng góp cho các hoạt động của phường, quận, ...
Nhiều bạn sinh viên thắc mắc, em tham gia hoạt động ngoại khóa, tham gia các cuộc thi nhưng chỉ đóng góp một phần rất nhỏ thì nên ghi gì ở phần này? Theo tôi, bạn nên sử dụng kỹ năng viết của mình để làm nổi bật thành tích của bản thân ở các thành tích hoạt động ngoại khóa.
Tôi đã từng tham gia cuộc thi "Sinh viên – Nhà đầu tư chứng khoán tương lai" do Câu lạc bộ Chứng khoán của Học viện ngân hàng tổ chức. Thể lệ của chương trình như sau: Vòng thi viết (khoảng hơn 100 thí sinh) => Vòng đầu tư thật (24 thí sinh chia làm 8 đội và chọn ra 5 đội có thành tích đầu tư tốt nhất => Vòng bảo vệ danh mục đầu tư (5 đội đó sẽ bảo vệ trước ban giám khảo để chọn ra 3 đội vào vòng chung kết).
Tôi mới chỉ vượt qua được vòng thi viết và có mặt trong 24 thí sinh để tham gia vòng đầu tư thật. Tuy nhiên, trong CV tôi đã viết là: Một trong 8 đội chơi xuất sắc của cuộc thi "Sinh viên – Nhà đầu tư chứng khoán tương lai được tổ chức bởi CLB Chứng khoán – Học viện Ngân hàng". Cách viết này vừa đủ để có thể nêu ra cách thành tích của mình trước mắt các nhà tuyển dụng.
6. Kỹ năng
Về mặt kỹ năng, chúng ta cần sắp xếp theo thứ tự ưu tiên như sau:
- Kỹ năng chuyên môn: tổng hợp, phân tích số liệu, sử dụng các phần mềm phân tích kỹ thuật, ...
- Kỹ năng về ngoại ngữ và tin học: kỹ năng dịch, kỹ năng viết, kỹ năng gõ máy tính tốc độ cao (50 từ 1 phút), kỹ năng sử dụng các phần mềm tin học văn phòng (đặc biệt là Word và Excel) một cách thành thạo,..
- Kỹ năng mềm khác: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng thuyết phục, làm việc dưới cường độ và áp lực cao. ....
7. Sở thích
Ở mục này, các bạn viết các sở thích cá nhân của mình nhưng cần phải LÀNH MẠNH, THỂ THIỆN THÁI ĐỘ TỐT VÀ KHÔNG ĐỐI NGHỊCH VỚI CÔNG VIỆC.
Ví dụ như: Đọc sách, đi du lịch, tập thể dục, ...
8. Người tham khảo
Trong mục này, các bạn cần đề tên những người có thể xác nhận các thông tin mình viết trong CV là chính xác,. Những người này có thể là giáo viên, đồng nghiệp cũ, người quản lý cũ.
Tuy nhiên trong mục này thì email của người tham khảo là điều mà các bạn cũng ko phải quá lo lắng. Ví dụ như trường hợp của mình, mình muốn lấy reference là cô Đặng Thị Nhàn phó khoa TCNH, nhưng email chính của cô là dangthinhan@ftu.edu.vn, cái mail này cô ko bao giờ check mail mà cô thường dùng mail huongnm1999@yahoo.com (đây là mail do con gái cô lập cho nên cô rất thích) . Vì vậy khi viết CV, bạn nên để cả 2 mail này vào mục reference. Nên nhớ rằng nhà tuyển dụng đang đánh giá bạn là chính. Hãy để những thông tin về người tham khảo một cách dễ liên lạc nhất.
II/Lưu ý đặc biệt với CV tiếng Việt
- Cấu trúc CV phải rõ ràng
- Trình bày nhất quán (đừng có đang viết tiếng Việt rồi lại cho ra một câu tiếng Anh vào CV)
- Nêu bật các thành tích đạt được nếu có thể nên cụ thể bằng các con số.
- Nhấn mạnh các kỹ năng (điều quan trọng thứ 2 đó, đối với thái độ thì nhà tuyển dụng có thể đọc được qua cách trình bày cũng như câu chữ trong CV của bạn)
- CV chỉ nên viết từ 1 đến 2 trang giấy, nên đề dạng file PDF cho đỡ bị nhảy chữ ghi đọc từ máy này sang máy khác. Tuy nhiên, trong trường hợp điền CV theo mẫu Excel của nhà tuyển dụng, không PDF file Excel cũng như chèn thêm cột, xóa dòng,... trong file gốc.
- Ko nên sử dụng đại tử nhân xưng tôi trong quá trình viết CV, cùng lắm cũng chỉ sử dụng ở phần mục tiêu nghề nghiệp
- Ko nên liệt kê quá nhiều thành tích mà nên biết chắt lọc thông tin
- Mỗi một thành tích hay một ý trong CV, bạn cần phải chuẩn bị được những ví dụ cụ thể để trong trường hợp đến vòng phỏng vấn bạn có thể trả lời được.